Voipmart – Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, sẽ thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về nếu phát hiện doanh nghiệp bán phá giá dịch vụ. Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhiều doanh nghiệp lo lắng vấn nạn phá giá tái diễn, gây tổn hại lợi ích quốc gia.
Chiều nay, 12/12/2014, cuộc đấu giá lưu lượng dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) sẽ chính thức được bắt đầu. Bộ TT&&TT cho rằng, việc đấu giá này được đưa ra nhằm đưa dịch vụ VoIP quốc tế chiều về vào quỹ đạo thị trường.
Theo đó, các doanh nghiệp có hạ tầng là Viettel, VNPT và MobiFone sẽ phải bán đấu giá 30% tổng sản lượng VoIP quốc tế chiều về cho các doanh nghiệp nhỏ. Mức giá mà Bộ TT&TT quy định để đấu giá là 850 đồng/phút (tương đương 0,04 USD/phút), áp dụng một mức giá sàn cho các gói sản lượng khác nhau.
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra kiến nghị, sản lượng đấu giá với tỷ lệ 30% đấu giá sẽ tính theo sản lượng thực tế hàng tháng phát sinh. Theo đó, sẽ kiểm soát và điều chỉnh theo thực tế hàng tháng, thực hiện đối soát tổng sản lượng cuối kỳ đấu giá.
Ông Hoàng Sơn cũng đề nghị Bộ TT&TT cần có chế tài kiểm tra giám sát để tránh việc giá thị trường giảm dưới ngưỡng quy định hiện tại là 0,058 USD/phút và kiểm soát chặt chẽ tránh việc doanh nghiệp bán phá giá gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Tham gia đấu giá có rất nhiều doanh nghiệp mới lần đầu tiên tham chiến vào thị trường này sau khi dịch vụ được quản lý chặt chẽ và đã chuyển từ bán dưới giá thành đến dịch vụ có lợi nhuận tốt. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi số lượng doanh nghiệp mới tham gia quá đông mà không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới việc tái diễn tình trạng phá giá dịch vụ như đã từng diễn ra trong 10 năm qua.
“Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về cũng cần xem xét doanh nghiệp mới nào phá giá, làm hỏng thị trường để kiến nghị Bộ TT&TT thu hồi giấy phép, không cho những doanh nghiệp như vậy được tiếp tục cung cấp dịch vụ nữa nhằm đảm bảo tính ngthiêm minh của chính sách quản lý”, ông Hoàng Sơn nói.
10 năm trước, câu chuyện về phá giá cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về đã được đặt ra. Nhờ có lợi nhuận “khủng” do dịch vụ này mang lại mà một số doanh nghiệp Việt Nam làm nên sự nghiệp từ “hai bàn tay trắng”. Thế nhưng, cũng chính từ việc dễ dàng khai thác dịch vụ mà không phải đầu tư nhiều, không cần có hạ tầng, chi phí khai thác ít nên đã xuất hiện tình trạng phá giá dịch vụ nhằm vun vén cho lợi ích của riêng của mỗi doanh nghiệp. 10 năm qua, việc phá giá dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về diễn ra thường xuyên.
Trước vấn đề trên, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra các biện pháp để tránh tình trạng phá giá dịch vụ. Thế nhưng, lợi nhuận và việc khai thác quá dễ dàng đã khiến cho những chính sách trở thành “ném đá ao bèo”. Tuy nhiên, ngay chính bản thân các doanh nghiệp cũng ý thức được chuyện phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về sẽ làm mất tiền của mình, tổn hại lợi ích quốc gia và cùng kéo nhau… xuống vực! Vì vậy, đã có vài lần các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về muốn liên kết với nhau để tránh vấn nạn phá giá nhưng chỉ một thời gian ngắn họ lại phá bỏ cam kết.
Năm 2011, dịch vụ VoIP quốc tế chiều phá giá thê thảm chỉ còn 0,026 USD/phút, chạm đến giá thành. Theo phân tích của một chuyên gia viễn thông, lưu lượng chiều về Việt Nam mỗi năm là 3 tỷ phút. Nếu các doanh nghiệp làm theo đúng cam kết giữ giá ổn định ở mức 0,041 cent/phút thì ngoại tệ mang về mỗi năm là 123 triệu USD. Nhưng khi giá chỉ bán được 0,026 USD/phút thì số tiền mang về trong 1 năm cho các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam chỉ là 78 triệu USD. Như vậy, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 45 triệu USD.
Sau đó, ICTnews liên tục phản ánh về vấn đề này và cơ quan quản lý nhà nước đã cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ họp bàn và đưa được mức cước dịch vụ VoIP quốc tế chiều về trở thành dịch vụ có lãi.
Thái Khang
Tag: tong dai voip